Chuyển đổi năng lượng, vì sao chọn điện?

Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khoá 15, các nội dung liên quan đến công tác đảm bảo điện cho phát triển kinh tế – xã hội, việc ứng xử với điện hạt nhân và các nguồn năng lượng tái tạo… được nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến.

Các cuộc tranh luận từ cộng đồng, và của cả giới chuyên gia năng lượng cũng luôn nóng hổi xung quanh vấn đề này. Câu hỏi đặt ra là “lấy gì để đảm bảo điện” khi nhu cầu tiêu dùng điện ngày càng tăng cao bởi quy mô của nền kinh tế ngày càng được mở rộng – khi lực lượng doanh nghiệp ở vị trí chủ công của nền kinh tế đang gia tăng mạnh mẽ và không ngừng phát triển – sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát? Khi việc chuyển đổi năng lượng – thay vì dùng than, dầu, khí, gas… chuyển sang dùng điện – ngày càng trở nên phổ biến ở rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, từ giao thông, toà nhà – đô thị, sản xuất công nghiệp đến dịch vụ, tiêu dùng trong mỗi hộ dân…

Chuyển từ xe gắn máy sử dụng xăng sang xe máy điện, dùng bếp điện từ thay thế việc đun nấu bằng than, gas đã và đang trở nên khá phổ biến ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Theo tính toán, xe điện hiện mới chỉ chiếm khoảng 01% phương tiện đường bộ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với các chính sách năng lượng và môi trường như hiện nay của nhiều nước, cùng với nỗ lực của các nhà sản xuất và sự tiếp nhận, lựa chọn của người tiêu dùng, nhiều chuyên gia dự kiến đến năm 2030 các loại hình xe điện sẽ chiếm khoảng 7-10% tổng số phương tiện đường bộ (kể cả phương tiện công cộng và cá nhân).

Điện mặt trời
Theo tính toán, với kế hoạch tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 là 6,6%/năm (và tỷ lệ về hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP ở mức 1,3 trong giai đoạn này) thì tăng trưởng điện trung bình vào khoảng 8%/năm.

Tại Việt Nam, kể từ năm 2005 – khi những chiếc xe điện đầu tiên (có thể vừa dùng điện vừa đạp chân) xuất hiện – đến nay, thị trường xe điện đã có đầy đủ các loại hình phương tiện, từ xe bus điện đến ô tô cá nhân, xe máy điện… với phong phú kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng, thương hiệu…

Trong các ngành sản xuất công nghiệp ở nước ta, dễ thấy nhất là việc lựa chọn, chuyển đổi công nghệ sản xuất thép từ lò cao sang 100% lò điện nhằm đạt cùng lúc 2 mục tiêu: vừa giảm phụ thuộc vào nguồn quặng thô đang phải nhập khẩu lớn (vì các mỏ khoáng sản trong nước ngày càng cạn kiệt), vừa giảm tỷ lệ đốt than, dầu – những loại nhiên liệu phát thải nhiều hơn, gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn của loại hình công nghệ sản xuất thép lò cao trước đây.

Đó là chưa kể, giá điện cho sản xuất hiện nay khá ổn định, không “trồi sụt”, biến động cả về nguồn cung lẫn về giá như than hay xăng dầu.

Ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nêu thực tế: “Chúng ta thấy có một cuộc dịch chuyển từ việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch sang dùng điện, hầu như là giao thông vận tải rồi các nhu cầu của các tòa nhà thương mại… đều chuyển về dùng điện. Chúng ta thấy rõ ràng bây giờ xe máy cũng xe máy điện, ô tô có ô tô điện, buýt bây giờ cũng có buýt điện. Chúng tôi cũng đã thấy có những xu hướng chuyển đổi, trước đây chuyển dịch từ sử dụng các nguồn than đá sang dầu để cho các nhu cầu công nghiệp thì bây giờ họ cũng lại chuyển sang sử dụng các động cơ điện, các lò nung bằng điện”.

Theo PGS. TS Phạm Hoàng Lương – Giám đốc Viện khoa học công nghệ Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản, chuyển đổi năng lượng từ một hệ thống chi phối bởi nhiên liệu hoá thạch sang một hệ thống với tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng là xu hướng của toàn cầu. Nhu cầu chuyển dịch từ nhiên liệu hoá thạch sang dùng điện bởi các tiện ích và xu hướng tiêu dùng cho thấy điện đang là nguồn năng lượng chủ yếu của thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam.

“Từ xưa đến nay chúng ta có nhu cầu về nhiệt thì thường là chúng ta dùng nhiệt, nhưng bây giờ người ta dùng điện để cung cấp nhiệt… Hiện nay với sự phát triển đặc biệt là tính thích nghi, tính tiện nghi của người sử dụng, nhu cầu điện ngày càng cao” – PGS. TS Phạm Hoàng Lương nói.

Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn – nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), để hiện thực hoá cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, nguồn điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) trong bản Dự thảo Chiến lược phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 gần đây nhất (gọi tắt là Quy hoạch Điện 8) đã được nâng lên mức khá cao – khoảng 32% vào năm 2030 và lên tới 54% vào năm 2045.

Theo tính toán, với kế hoạch tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 là 6,6%/năm (và tỷ lệ về hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP ở mức 1,3 trong giai đoạn này) thì tăng trưởng điện trung bình vào khoảng 8%/năm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nếu không có các tính toán kỹ lưỡng về việc chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang dùng điện của rất nhiều ngành (như giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, tiêu dùng…) trong cả ngắn và dài hạn thì nguy cơ thiếu điện là rất lớn.

“Liên quan đến chuyện về cam kết Netzero thì không phải chỉ Việt Nam mà hơn 140 nước trên thế giới, không phải chỉ chúng ta chuyển dịch sang điện mà rất nhiều nước cũng chuyển sang, họ cũng giảm bớt than, dầu ra. Có nghĩa là chúng ta cũng gặp những người mà họ cũng xoay mục tiêu. Cho nên sẽ có một nhân tố mới, một yếu tố mới về thiết kế hệ thống. Tôi cho rằng, đấy là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Bởi vì trong tính toán gần đây của chuyên gia Đan Mạch thì ở những kịch bản xanh và kịch bản chuyển dịch năng lượng mạnh thì nhu cầu năng lượng – nhu cầu điện có thể gấp đôi so với Quy hoạch Điện 8 nếu ta đi theo con đường giao thông xanh” – ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Cuộc chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nhiên liệu than, xăng, dầu, khí, gas… sang dùng điện là câu chuyện của nhiều nước và Việt Nam không phải ngoại lệ. Áp lực của ngành điện lúc này không chỉ còn là việc làm sao để cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và đời sống, với các nhu cầu chuyển đổi này, mà còn đồng thời phải thực hiện việc chuyển đổi xanh cho các nguồn cung của mình, nghĩa là các dạng năng lượng để sản xuất ra điện cũng ngày càng phải “xanh hơn”, “sạch hơn”, ít phát thải, thân thiện với môi trường…

Trên thực tế, hiện nay hệ thống điện Việt Nam đã có gần 80.000MW công suất đặt nguồn điện thì đã có khoảng 30% là năng lượng tái tạo (NLTT – bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện từ sinh khối). Mặc dù sản lượng điện thương phẩm cả nước hiện nay lúc cao điểm mới đạt hơn 45.000MWh (mê-ga-oát-giờ), song nguy cơ thiếu điện vẫn luôn tiềm ẩn. Ngay từ đầu năm 2022 này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện giai đoạn 2022-2025.

Áp lực trong vận hành an toàn hệ thống điện (khi nguồn điện không ổn định – từ NLTT – như gió, mặt trời ngày càng nhiều) gắn với câu chuyện đảm bảo chất lượng điện, đặc biệt cho các ngành kinh tế – công nghệ đòi hỏi tiêu chuẩn cao như sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch thiết bị di động, máy tính – là những ngành hàng thế mạnh trong xuất khẩu và thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam cũng đã và đang đặt ra những thách thức mới cho ngành điện

Nguồn: Nguyên Long https://vov.vn/kinh-te/chuyen-doi-nang-luong-vi-sao-chon-dien-post955475.vov

Trả lời