Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc cho nhiều công ty đa quốc gia. Nhưng, tỷ trọng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt là rất nhỏ.
Khái niệm chuỗi giá trị toàn cầu?
Trên lý thuyết, chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain – GVC) là một chuỗi sản xuất kinh doanh theo phương thức toàn cầu hóa với sự tham gia của nhiều nước, có sự kết hợp giữa khoa học công nghệ kỹ thuật hiện đại với nguyên liệu sản xuất và lao động. Sau đó các yếu tố này được đưa vào lắp ráp, sản xuất, quảng bá rồi cuối cùng được phân phối tới người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp hiện nay có thể là nhiều bộ phận trong tiến trình này nhưng cũng có thể chỉ là một mắt xích đơn lẻ trong chuỗi dây chuyền đó. Chuỗi giá trị toàn cầu ra đời được coi là kết quả của xu hướng toàn cầu hóa.
Mỗi mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu tương ứng với một hoạt động cụ thể để sản xuất ra sản phẩm. Những hoạt động này có thể do một doanh nghiệp tự thực hiện hoặc cũng có thể có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, quốc gia đến từ nhiều vùng địa lý khác nhau có chung khả năng.
Ví dụ, sản phẩm iPhone chẳng hạn, nó được thiết kế sản phẩm, phần mềm và marketing tại Mỹ, trong khi các công đoạn khác hầu hết đều được thực hiện bên ngoài nước Mỹ. Theo thống kê, có đến 9 công ty tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, và Mỹ cùng tham gia vào việc sản xuất iPhone. Tất cả các linh kiện này được cuối cùng được vận chuyển tới Foxconn để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó xuất sang Mỹ và các nước khác trên thế giới.
Chuỗi giá trị của Apple là một minh chứng sống động cho quá trình toàn cầu hóa, khi các thị trường sản xuất và tiêu thụ trên thế giới hòa làm một, đồng nghĩa với việc chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng phức tạp hơn.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt?
Theo một thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2015-2020, ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam đã nhận được các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng trị giá 376 tỷ USD, trong đó chỉ riêng Samsung đã đóng góp tới 1/4 tổng vốn đầu tư từ Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, LG Electronics, công bố đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam để mở rộng công suất màn hình OLED vào năm 2021. Mới nhất, họ tiếp tục lên kế hoạch đầu tư tiếp 1 tỷ USD vào Việt Nam bằng cách huy động các nguồn vốn từ các ngân hàng đầu tư toàn cầu.
Trước đó, “gã khổng lồ” Intel của Mỹ đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào nhà máy tại khu công nghệ cao Sài Gòn, Việt Nam. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 47.000 m2 và bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2010. Gần đây, họ cũng đã tiếp tục đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV), nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu.
Hiện tại, tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam vào khoảng 1,5 tỷ USD. Cho đến nay, Intel Việt Nam vẫn là dự án đầu tư công nghệ tỷ đô duy nhất của Mỹ vào Việt Nam, đồng thời cũng là nhà máy lắp ráp – thử nghiệm lớn nhất trong mạng lưới Intel toàn cầu.
Gần đây nhất, Apple đang chuyển một số hoạt động sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam. Foxconn, nhà cũng cấp chính của Apple đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất Ipad và máy tính xách tay từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo yêu cầu của Apple từ cuối năm 2020.
Rõ ràng, những “gã khổng lồ” công nghệ của thế giới đang coi Việt Nam là điểm đến cho chuỗi cung ứng của họ trong tương lai.
Có thể thấy, dòng vốn quốc tế đang dịch chuyển với việc hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Giờ đây, cơ hội cho doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu là lớn chưa từng có. Nhưng, việc các doanh nghiệp Việt đủ năng lực để tham gia vào đó hay không vẫn còn là một nỗi băn khoăn.
Doanh nghiệp Việt đang ở đâu?
Theo một nghiên cứu cho thấy, nước Đức được coi là nơi mà các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) tốt nhất, trong khi Canada là nơi để thu mua nguyên vật liệu rẻ và chất lượng nhất thế giới. Tại Hàn Quốc có thể thu mua được những phụ tùng tốt nhất, còn Nhật Bản được coi là chuyên gia trong lĩnh vực phân phối và cuối cùng, không tìm ra nơi nào có lao động dồi dào với giá rẻ hơn Trung Quốc để thực hiện công đoạn lắp ráp.
Như trên đã nói, có đến 9 công ty tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, và Mỹ cùng tham gia vào việc sản xuất iPhone. Nhưng, thực tế cũng cho thấy rằng, dù là nước thực hiện công đoạn lắp ráp thành phẩm cuối cùng, Trung Quốc lại là nước thu được giá trị gia tăng ít nhất trong số 6 quốc gia chính tham gia chuỗi sản xuất iPhone. Và tất nhiên, người thu được nhiều giá trị gia tăng nhất vẫn là nước Mỹ.
Giờ đây, Việt Nam đang dần thay thế Trung Quốc trở thành một trong những trung tâm sản xuất chính của toàn cầu. Nhưng, cũng giống như Trung Quốc trước kia, các doanh nghiệp Việt được tham gia vào chuỗi giá trị này đang ít và nhỏ đến “thảm thương”.
Ví dụ gần đây Apple đã dần chuyển dây chuyền sản xuất sản phẩm Ipad sang Việt Nam. Nhưng, theo các chuyên gia nghiên cứu tại Fomalhaut Techno Solutions có trụ sở tại Tokyo cho thấy, tham gia vào chuỗi giá trị của những chiếc Ipad Pro có giá 510 USD, tỷ lệ linh kiện của Hàn Quốc chiếm đến 38,6% chi phí, Đài Loan là 18,5%, Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 3 với mức 16,8%, trong khi con số đó với các thành phần Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông, là 7,5%, đứng ở vị trí thứ 4, còn lại là các nước khác, bao gồm cả Việt Nam.
Hay như với Samsung, họ đang coi Việt Nam là đại bản doanh trên thế giới để sản xuất lĩnh vực điện thoại thông minh với 6 nhà máy lớn. Nhưng, việc phát triển nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm của Samsung vẫn là thứ gì đó rất xa vời.
Theo một đại diện của Samsung Việt Nam cho biết, ban đầu hãng tổ chức những hội thảo, triển lãm công nghiệp phụ trợ để tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Đến nay đã có 379 doanh nghiệp được tư vấn, cải tiến giúp năng suất tăng lao động và chất lượng sản phẩm, nhưng số lượng nhà cung ứng Việt cấp 1 hiện thâm nhập được vào chuỗi giá trị của Samsung đang chỉ dừng lại ở con số 51.
Hoặc với Panasonic, “gã khổng lồ” điện tử Nhật Bản hiện đang có tới 7 nhà máy tại Việt Nam với nhu cầu phát triển sản phẩm mới hằng năm rất phong phú. Nhưng điều này lại không đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nhà cung ứng ở Việt Nam được tham gia chuỗi sản xuất của Panasonic. Đến nay, nhà cung cấp Việt Nam chiếm 51% về số lượng nhưng chỉ chiếm khoảng 35% về giá trị tại hãng.
Theo các chuyên gia nhìn nhận, năng lực các doanh nghiệp nội địa dù đã được cải thiện gần đây nhưng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường quốc tế, cũng như của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt, sự liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn khá mờ nhạt.
Vậy nên, để doanh nghiệp Việt có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, ngoài những nỗ lực từ các cơ quan chức năng, sự chủ động của các doanh nghiệp phải là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Nguồn: Nguyễn Chuẩn https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-viet-don-co-hoi-tham-gia-chuoi-gia-tri-toan-cau-ra-sao-227512.html